Người lao động tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Vậy BHXH tự nguyện có kèm theo quyền lợi BHYT không? thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn.
BHXH tự nguyện có kèm theo quyền lợi BHYT không
Cùng với chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, chính sách BHXH tự nguyện được người lao động đặc biệt quan tâm.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3, Điều 3, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 định nghĩa về bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
“Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.”
Người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng 2 chế độ là chế độ hưu trí và chế độ tử tuất theo quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 .
Căn cứ theo quy định về chế độ của BHXH tự nguyện quy định tại Khoản 2, Điều 4, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì BHXH tự nguyện chỉ gồm chế độ hưu trí và tử tuất, không kèm theo quyền lợi BHYT.
Trên thực tế, việc hưởng quyền lợi BHYT sẽ căn cứ theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế. Đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc đồng thời sẽ bắt buộc tham gia BHYT trên cơ sở đóng vào quỹ BHYT theo quy định. Do đó, nhiều người lầm tưởng BHYT là quyền lợi kèm theo BHXH (gồm cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện).
Người hưởng lương hưu được hưởng kèm theo quyền lợi BHYT
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức thực hiện được áp dụng đối với các đối tượng nhất định theo quy định của Luật Pháp về Bảo hiểm y tế nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho người dân, không vì mục đích lợi nhuận.
Người lao động hưởng lương hưu được hưởng kèm theo quyền lợi BHYT
Luật Bảo hiểm y tế quy định có 5 nhóm đối tượng tham gia BHYT gồm:
- Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
- Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng,
- Nhóm do ngân sách nhà nước đóng,
- Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bổ sung tại Khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014) quy định về nhóm đối tượng tham gia BHYT do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng như sau:
“2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
b) Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
c) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
d) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
…”
Căn cứ theo quy định này thì người lao động hưởng lương hưu sẽ được hưởng quyền lợi BHYT do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng. Như vậy, người lao động tham gia BHXH tự nguyện khi về già được hưởng lương hưu sẽ đồng thời được hưởng quyền lợi BHYT.
Mức hưởng BHYT của người hưởng lương hưu được quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi bổ sung tại Khoản 15 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014). Cụ thể, người hưởng lương hưu theo quy định sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh.
Thông qua giải đáp về BHXH tự nguyện có kèm theo quyền lợi BHYT không? Bảo hiểm xã hội EBH hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn liên hệ giữa quyền lợi BHYT với việc tham gia BHXH tự nguyện.
TIN LIÊN QUAN
- BHXH tự nguyện có kèm theo quyền lợi BHYT không?
- Infographic 4 thay đổi chính sách bảo hiểm y tế năm 2023
- 06 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc mới nhất 2022
- [Infographic] 3 thay đổi liên quan đến BHYT có hiệu lực từ 1/1/2022
- Chế độ bảo hiểm y tế cho người nước ngoài tại Việt Nam
- Điểm mới nổi bật trong chính sách BHYT từ 1/7/2021