Mất sổ bảo hiểm xã hội khiến cho việc theo dõi quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) và làm các thủ tục hưởng chế độ BHXH gặp khó khăn. Trong nhiều trường hợp mất sổ BHXH sẽ không được chi trả BHXH một lần, chế độ thai sản, chế độ tuất… Vậy mất sổ bảo hiểm xã hội phải làm gì để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia?
Giải quyết trường hợp mất sổ BHXH
Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho người tham gia BHXH và sử dụng làm căn cứ để giải quyết các chế độ cho người tham gia BHXH theo quy định của Pháp luật. Mỗi người lao động sẽ được cấp 01 sổ BHXH và 01 mã số BHXH là số định danh duy nhất.
Trên sổ BHXH ghi đầy đủ thông tin về họ tên, nơi ở, quá trình đóng và hưởng bảo hiểm xã hội của người tham gia. Căn cứ vào sổ BHXH cơ quan BHXH sẽ giải quyết các chế độ BHXH cho người lao động đồng thời người lao động cũng có thể theo dõi được quá trình tham gia BHXH của mình.
Thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 46, Quyết định 595 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu rõ các trường hợp được cấp lại sổ như sau:
Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) trong các trường hợp
- Mất sổ; hỏng sổ; gộp sổ;
- Thay đổi số sổ;
- Thay đổi họ, tên, chữ đệm; thay đổi ngày, tháng, năm sinh;
- Khi người đã hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần còn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng.
Như vậy, khi bị mất sổ bảo hiểm xã hội người tham gia cần thực hiện các thủ tục xin cấp lại sổ BHXH mới để đảm bảo lợi ích cho mình. Thủ tục cấp lại sổ được thực hiện theo quy định tại Mục 1, Điều 27, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Cụ thể như sau:
(1) Thành phần hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do mất, hỏng gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT >> mẫu TK1-TS mới nhất
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
(2) Nộp hồ sơ
Theo quy định tại Tiết c, Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31, Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định các trường hợp cấp lại sổ BHXH kê khai hồ sơ theo quy định tại Điều 27 nêu trên và nộp hồ sơ như sau:
- Trường hợp người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH;
- Trường hợp người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH nộp cho cơ quan BHXH.
Lưu ý: Trường hợp người đang bảo lưu quá trình đóng BHXH kê khai hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH và có thể nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc để được xem xét, giải quyết (Quy định tại Tiết c, Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31, Quy trình ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định).
(3) Thời gian giải quyết hồ sơ
Theo quy định tại Điều 29, Quyết định số 595/QĐ-BHXH thời hạn cấp lại sổ BHXH do mất hỏng cụ thể như sau:
- Không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết.
Xem thêm >> Có 2 sổ bảo hiểm xã hội: Người lao động cần phải xử lý như thế nào?
Kết luận
Trên đây là hướng dẫn người lao động bị mất bảo hiểm xã hội. Lưu ý người lao động nên sớm làm thủ tục cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định để đảm bảo quyền lợi của mình.
TIN LIÊN QUAN
- Mức hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện tính thế nào?
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những chế độ nào?
- Những chế độ bảo hiểm xã hội cho phụ nữ mang thai mà không phải ai cũng biết
- Tờ khai bảo hiểm xã hội là gì? Các loại tờ khai phổ biến
- Tra cứu bảo hiểm xã hội là gì? 05 cách tra cứu phổ biến nhất
- BHXH tự nguyện có kèm theo quyền lợi BHYT không?