Làm mất sổ bảo hiểm xã hội sẽ khiến người lao động gặp nhiều khó khăn khi làm thủ tục hưởng các chế độ BHXH. Bài viết sau sẽ hướng dẫn người lao động làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội theo quy định nhanh và thuận tiện nhất.
Các trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
Mỗi người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được cấp 01 sổ bảo hiểm xã hội để theo dõi, ghi lại việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết nhiều chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. Trường hợp mất sổ bảo hiểm xã hội người lao động được quyền xin cấp lại sổ theo quy định.
Căn cứ Khoản 2, Điều 46, Quyết định 595/QĐ- BHXH về việc cấp và quản lý sổ BHXH quy định như sau:
- Cấp lại sổ BHXH (bìa và tờ rời) trong các trường hợp: mất, hỏng; gộp; thay đổi số sổ; họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; người đã hưởng BHXH một lần còn thời gian đóng BH thất nghiệp chưa hưởng.
- Cấp lại bìa sổ BHXH các trường hợp: sai giới tính, quốc tịch.
- Cấp lại tờ rời sổ BHXH các trường hợp: mất, hỏng
Như vậy, khi bị hỏng, mất hoặc gộp sổ, thay đổi số sổ/họ tên/chữ đệm/ngày tháng năm sinh… người lao động sẽ được cấp lại sổ khi có yêu cầu.
Hướng dẫn làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
Trong trường hợp người lao động làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội lưu ý chuẩn bị 01 bộ hồ sơ theo quy định và làm thủ tục cấp lại sổ BHXH theo hướng dẫn sau:
Hồ sơ xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội
Căn cứ theo quy định tại Điều 27, Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 hồ sơ xin cấp lại sổ BHXH gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
- Số lượng: 01 bộ
Tin liên quan: Mất sổ bảo hiểm xã hội và cách xử lý cấp lại sổ theo quy định
Thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội 2022
Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người lao động làm thủ tục xin cấp lại sổ BHXH như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Theo quy định tại Tiết c, Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 31, Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định các trường hợp cấp lại sổ BHXH kê khai hồ sơ như sau:
- Người lao động đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH nơi mình đang tham gia BHXH;
- Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH nộp cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi mình đã tham gia trước đó.
Bước 2: Xét duyệt hồ sơ
Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ xin cấp lại BHXH xem xét giải quyết. Thời gian giải quyết không quá 10 ngày từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo Khoản 1, Điều 27, Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Lưu ý: Theo Điều 29, Quyết định số 595/QĐ-BHXH quy định thời hạn cấp lại sổ BHXH trong trường trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày. trường hợp này cơ quan BHXH sẽ có văn bản thông báo cho người lao động biết.
Bước 3: Nhận sổ BHXH
Người lao động nhận sổ BHXH theo thời gian ghi trên giấy hẹn trả kết quả theo quy định.
Bên cạnh việc làm thủ tục xin cấp lại sổ BHXH trực tiếp thì người lao động còn có thể làm thủ tục xin cấp lại sổ BHXH online thông qua Cổng dịch vụ công hoặc thông qua ứng dụng VssID. Cách làm này đơn giản và nhanh chóng hơn tuy nhiên người lao động phải đảm bảo đã đăng ký tài khoản BHXH cá nhân với cơ quan BHXH.
Trên đây là hướng dẫn làm thủ tục xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trực tiếp. Trong trường hợp người lao động muốn xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội online có thể truy cập website của BHXH điện tử eBH để được hướng dẫn và hỗ trợ tốt nhất.
TIN LIÊN QUAN
- Mức hưởng lương hưu bảo hiểm xã hội tự nguyện tính thế nào?
- Bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những chế độ nào?
- Những chế độ bảo hiểm xã hội cho phụ nữ mang thai mà không phải ai cũng biết
- Tờ khai bảo hiểm xã hội là gì? Các loại tờ khai phổ biến
- Tra cứu bảo hiểm xã hội là gì? 05 cách tra cứu phổ biến nhất
- BHXH tự nguyện có kèm theo quyền lợi BHYT không?